Thực tiễn áp dụng cơ chế Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp tại Việt Nam đa dạng, nhiều sắc màu. Đó cũng chính là chủ đề được Luật sư Lê Thế Hùng, Phó Chủ tịch SCLVN bài trình bày tại Hội nghị Quốc tế PADSK & SCLI 2024 tại Indonesia, tháng 7/2024 vừa qua.
Với chủ đề “Đồng bộ hóa việc áp dụng Hợp đồng FIDIC với các quy định cụ thể của quốc gia liên quan đến dự án để tránh tranh chấp”, Luật sư Hùng dẫn nhiều ví dụ về thực tiễn áp dụng Ban phòng ngừa và xử lý Tranh chấp (DAAB) tại Việt Nam. Cụ thể
Đầu tiên, một thực tiễn phổ biến nhất, đơn giản nhất và thuận tiện nhất là “không áp dụng” cơ chế Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp. Theo đó, Các Bên có xu hướng chung là “xóa bỏ” tất cả các quy định có liên quan đến Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp trong các Hợp đồng Xây dựng có sử dụng mẫu Hợp đồng FIDIC.
Tiếp đến, khi đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa và giá trị của Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp thì Các Bên bắt đầu chú ý đến việc sửa đổi các quy định của Hợp đồng cho phù hợp.
Theo Luật sư Hùng, từ việc sửa đổi các quy định của Hợp đồng FIDIC để trao quyền cho Tư vấn hành động với vai trò của Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp tới việc sửa đổi, bổ sung chi tiết các quy định về Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp trong từng Hợp đồng là một bước tiến dài trong thực tiễn áp dụng tại Việt Nam.
Trên cơ sở những ví dụ đó, Luật sư Hùng cũng nêu rõ 5 đặc điểm chung khi áp dụng cơ chế Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp tại Việt Nam, bao gồm:
- Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp không phổ biến
- Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp gần như không áp dụng trong các dự án tư nhân
- Các dự án đầu tư công có nhiều khả năng hơn để áp dụng cơ chế Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp
- Trong một số trường hợp, cơ chế Hòa giải được áp dụng để thay thế cho cơ chế Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp
- Chức năng ngăn ngừa Tranh chấp của Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp gần như không đạt được.
Những đặc điểm nêu trên chỉ ra những thách thức trong thực tiễn áp dụng Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp tại Việt Nam. Theo Luật sư Hùng, 5 thách thức chính trong thực tiễn áp dụng DAAB tại Việt Nam liên quan đến các nhóm vấn đề về:
- Chi phí
- Khả năng điều tra, tìm hiểu thông tin của Các Bên đối với Thành viên Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp
- Khung pháp lý
- Vấn đề thực thi
- Thủ tục phức tạp
Dẫn ví dụ về Chi phí, Luật sư Hùng chia sẻ về những khó khăn của Các Bên trong việc xin các chấp thuận, phê duyệt của cơ quan chức năng đối với mức chi phí phải trả cho Thành viên Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp. Nhiều dự án, có thể phải mất 12 tháng chỉ để có được các chấp thuận về nguyên tắc đối với chi phí thanh toán cho Thành viên Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp.
Không chỉ vậy, chi phí phải trả cho Thành viên Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp chưa được xem xét như là một chi phí của việc quản lý dự án mà đang bị xem xét như là chi phí pháp lý để giải quyết tranh chấp. Điều này dẫn tới hệ quả là khi lập dự toán, chi phí dự phòng để trả cho Thành viên Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp không bao gồm trong dự án.
Tương tự như vậy, Việt Nam gần như chưa có bất kỳ khung pháp lý nào về Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp. Thực tế này đặt ra những thách thức cho Các Bên trong việc xác định tiêu chí ứng viên, thủ tục và quy chế để Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp hoạt động, khả năng công nhận và thực thi của các Quyết định do Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp ban hành.
Theo Luật sư Hùng, chỉ khi 5 thách thức nêu trên được tháo gỡ thì việc áp dụng cơ chế Ban Phòng ngừa và Xử lý Tranh chấp mới thực sự trở thành xu thế chung, ngăn ngừa các Tranh chấp hoặc xử lý các Tranh chấp tại thời điểm phát sinh, giúp hạn chế chi phí cho tất cả các bên vì mục tiêu chung của Dự án.
Dưới đây là một số hình ảnh về Hội nghị và các thành viên của SCLVN khi tham dự.